Đừng Nhân Danh Ca Trù Để Làm Sai Lệch Nghề Tổ

ĐỪNG NHÂN DANH CA TRÙ ĐỂ LÀM SAI LỆCH NGHỀ TỔ

Từ CLB Ca trù đến giáo phường Ca trù là cả một con đường dài…

(Toquoc)-Lễ ra mắt giáo phường Ca trù Thăng Long vừa qua đã thu hút sự quan tâm của báo chí và dư luận. Đó là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự khởi sắc của loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

.

Tuy nhiên, chứng kiến lễ ra mắt giáo phường ca trù Thăng Long với các tiết mục ca trù được trình diễn trong 2 tiếng, một số nhà chuyên môn, nghiên cứu về Ca trù và nghệ nhân Ca trù lại có nhiều ý kiến phản biện trái ngược. Xét thấy đây là một vấn đề đáng quan tâm, với mong muốn đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển ca trù cho xứng tầm Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, Báo điện tử Tổ Quốc giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Xuân Diện – người đầu tiên ở Việt Nam làm luận án về Ca trù và góp mặt trong hồ sơ Ca trù trình lên UNESCO.
– Là một người chứng kiến lễ ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long ngày 18/3, ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

.

+ Trước hết, sự kiện CLB Ca trù Thăng Long trở thành Giáo phường Ca trù Thăng Long đã được những người yêu thích Ca trù và các nhà chuyên môn hết sức quan tâm. Tôi cũng nằm trong số đó.
Song, tôi hoàn toàn thất vọng về những gì được gọi là Ca trù đã trình diễn hôm đó, ngoại trừ bài Thét nhạc do nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc trình bày và tiếng đàn của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Còn những phần trình diễn khác chưa thể gọi là Ca trù – một nghệ thuật hát tinh tế và bác học của Việt Nam.

.

GS Trần Văn Khê tại lễ ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long

Ảnh: Báo Thể thao & Văn hóa

.

Vì thế, cuộc ra mắt của Giáo phường Ca trù Thăng Long đã gieo vào lòng những người yêu và hiểu biết Ca trù, quan tâm đến vận mệnh của Ca trù những ngờ vực và lo lắng, mà những ngờ vực và lo lắng ấy hoàn toàn có lý do.


– Những bận tâm và lo lắng ấy xuất phát từ đâu thưa ông? Từ quy mô tổ chức của giáo phường hay trình độ chuyên môn của đào nương?


+ Có thể nói là cả hai. Từ CLB Ca trù đến giáo phường Ca trù là cả một con đường dài, và hoàn toàn khác biệt về tổ chức, lề lối.


Giáo phường Ca trù được tổ chức một cách chặt chẽ và quy củ. Người trong giáo phường phải tuyệt đối tuân thủ các quy định nghiêm cẩn cũng như phong tục và luân lý. Nếu đào kép nào vi phạm, họ sẽ bị các bậc cao niên đuổi ra khỏi giáo phường và thông báo cho các giáo phường khác biết để không giáo phường nào cho vào nữa.

.

Nói như GS Trần Văn Khê “Lên giáo phường tức là đặt cho mình kỷ luật, không phải là CLB thích làm gì thì làm, thích chơi gì thì chơi”. Tức là những người đặt ra giáo phường Ca trù Thăng Long phải hiểu biết được đầy đủ giáo phường là gì, hoạt động, tổ chức, làm việc như thế nào, đồng thời phải ý thức sâu sắc việc giữ gìn nghề tổ, cả về mặt nghệ thuật lẫn tổ chức và đạo đức nghề nghiệp.


Thế nhưng những gì mà Giáo phường Ca trù Thăng Long thể hiện tối 18/3 lại không đúng như vậy.


Toàn bộ chương trình kéo dài hơn 2 tiếng. Nhưng ngay phần mở đầu đã có “sạn” là một bài tấu nhạc giống hệt tiết mục mà Giáo phường Ca trù Thái Hà đã trình diễn tại Trung tâm Văn hoá Pháp ngày 10/3, mà bản tấu nhạc này thuộc bản quyền của Giáo phường Thái Hà.


Tiếp đó có tiết mục Hát giai của Phạm Đình Hoằng, hát không đạt và giống như hát tuồng.


Bài Hát dâng hương do các đào nương trẻ thể hiện thì như hát nhạc mới, không có chất Ca trù.


Chỉ đến bài Thét nhạc do nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc trình diễn thì công chúng mới được thưởng thức Ca trù đích thực.


Các tiết mục tiếp theo là Gửi thư, 36 giọng, Xẩm nhà trò, rồi đến làn điệu Tỳ bà hành; bài hát cuối cùng là bài hát nói Chữ Nhàn do nhóm 3 em thay nhau hát. Khi nghe bài hát nói Chữ Nhàn khiến tôi rất bức xúc, vì thấy lạ quá, không hiểu tại sao một giáo phường Ca trù lại cho các em mới mười mấy tuổi thay nhau hát bài Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ.


Rồi phần trình diễn của dàn nhạc bát âm được MC giới thiệu là Nhã nhạc!


Cuối chương trình còn có bài mới do đào nương Phạm Thị Huệ sáng tác cho các em trẻ vừa đàn vừa hát. Đến lúc này thì GS Trần Văn Khê đã phải lên tiếng cảnh báo: “Đi tìm cái mới là con đường đầy chông gai và chưa chắc đã tìm thấy. Cho nên phải cẩn thận với sáng tạo. Làm mới vốn cổ là con dao hai lưỡi. Chúng ta không nệ cổ nhưng phải bảo tồn vốn cổ. Và cần cẩn trọng đừng để mất bản sắc cổ. Vì vậy các em chỉ nên xem đây là thể nghiệm, nên khiêm tốn lắng nghe đóng góp từ khán giả và các nhà nghiên cứu”.


Tôi cho rằng: các đào nương kép đàn của giáo phường hoàn toàn có thể hát chơi, hát riêng với nhau cái gì cũng được. Nhưng một khi đã ra đến chốn cửa đình linh thiêng thì phải nghiêm túc. Nếu tôn trọng nghề tổ, tôn trọng thần linh, tôn trọng quan viên công chúng thì không ai dám đem những tiết mục ấy ra trước điện thờ. Tôi thật bất ngờ khi Giáo phường Ca trù Thăng Long quá dễ dãi với nghề tổ như vậy.


– Quan điểm của ông có quá khắt khe không khi Giáo phường Ca trù Thăng Long từng là một CLB Ca trù được nhiều người biết đến?Bản thân đào nương Phạm Thị Huệ – chủ nhiệm CLB – được rèn cặp bởi hai nghệ nhân Ca trù lão thành và được làm lễ mở xiêm áo khẳng định khả năng đàn hát?

+ Lễ mở xiêm áo cho chị Phạm Thị Huệ chỉ có hai thầy của chị là nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ công nhận. Nó không phải là lễ mở xiêm áo đúng nghĩa.

.

Học hát Ca trù là một công việc học tập vô cùng công phu mà người nào thông minh lắm cũng phải mất 3 – 4 năm mới cầm được lá phách ra hát. Ngày xưa, sau khi đã học thuần thục rồi, đào nương sẽ có lễ trình ông quản giáp báo cáo việc học của mình. Quản giáp thông báo cho cả giáo phường và chọn ngày lành tháng tốt để báo cáo với tổ nghề, đồng thời mời một quan viên có danh vọng và sành sỏi trong vùng đến nghe để thưởng thức và thẩm định trình độ đào nương qua tiếng cầm chầu. Nếu mọi người đều hài lòng và công nhận thì đào nương đó mới được coi là có giấy phép hành nghề.


Như vậy, việc công nhận đó không bao giờ là công nhận của riêng người thầy dạy cả. Nếu thầy dạy rồi bảo trò “Được rồi, con ra hát đi” thì không khác nào “Mẹ hát con khen hay”. Phải là những người trong nghề không phải thầy dạy công nhận thì Lễ mở xiêm áo mới có ý nghĩa.

.

Bản thân tôi và nhiều người hiểu biết về Ca trù khác không thừa nhận chị Phạm Thị Huệ là đào nương Ca trù
.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan – người được Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch giao làm hồ sơ Ca trù trình UNESCO từng phát biểu trên Đài Tiếng nói Việt Nam rằng cô Huệ chưa phải là đào nương Ca trù, tiếng hát rất non nớt.

.

Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Chín ở Hải Phòng thì cho rằng: giọng cô Huệ là giọng thổ bùn, không thể hát được Ca trù. Trong Ca trù, tiếng đàn Đáy trầm đục nền nã, tiếng phách thì giòn giã ríu rít, sắc nét nên tiếng hát phải là giọng kim hay giọng thổ đồng mới hoà quện được, nếu không sẽ bị lấn át, bị chìm đi. Khi đó, tiếng hát sẽ trùng với tiếng đàn, cứ nhấn chìm nhau xuống.
Chưa biết hát Ca trù mà đã làm lễ mở xiêm áo như vậy, thật là không tôn trọng nghề tổ. Việc làm lễ mở xiêm áo cho chị Huệ khiến công chúng –nhất là giới trẻ chưa hiểu nhiều về Ca trù nghĩ rằng chị Huệ đã là một đỉnh cao rồi, mà nghe chỉ có như vậy thì sẽ đâm ra chán nản và thất vọng về Ca trù.

.

Được biết, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thu 6 bài hát Ca trù do nhóm của chị Huệ hát (trong đó không có cụ Chúc) nhưng cuối cùng không dám đưa lên sóng, vì thấy đó không phải là Ca trù.

.

Cô Phạm Thị Huệ và hai người thầy. Ảnh sưu tầm trên internet.

Tối hôm ấy, khi PV Hồng Tâm ở Đài truyền hình Việt Nam phỏng vấn GS Trần Văn Khê về trình độ của “đào nương” Phạm Thị Huệ. GS Trần Văn Khê phải nói tránh đi rằng: “Tôi là người ngoại đạo, việc này mấy em phải hỏi hai cụ nghệ nhân thầy của cô Huệ”.

– Tuy nhiên, trong bối cảnh Ca trù đang cần được bảo vệ và phát triển cho xứng tầm Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại như hiện nay, thì những đòi hỏi khắt khe của ông liệu có khiến Ca trù khó phổ biến một cách rộng rãi và nhanh chóng được, bởi tìm được người vừa có giọng vừa đam mê Ca trù rất khó?


+ Ngày xưa, thời thịnh nhất của Ca trù, nhu cầu về đào nương rất cao nhưng các cụ vẫn chọn người học rất kỹ lưỡng, ngoài đức hạnh phải xem giọng hát có đủ để học hát không.

.

Để thành một đào nương thực thụ phải có rất nhiều tố chất.

.

Ngay cả một người có chất giọng đẹp, lại được rèn cặp kỹ lưỡng bởi một đào nương già, mà không có khả năng cảm nhận văn chương, khả năng bắt được “nhãn tự”(chữ mắt, con mắt thơ) của bài thơ thì cũng khó mà hát cho hay được. Dù có cố khoe chất giọng vàng ngọc trời phú thì cũng là một giọng ca vô duyên mà thôi.

.

Ca trù là một môn nghệ thuật bác học, hàn lâm. Cho nên không cần phải phổ cập và không thể phổ cập. Ngay cả thời hoàng kim của Ca trù, mỗi chầu hát cũng chỉ có 5 – 7 người nghe thôi. Hát cửa đình thì có vài chục quan viên chức sắc có chữ nghĩa trong làng thưởng thức. Ca trù không dành cho 5 – 7 chục, hoặc hàng trăm người. Cả nước chỉ cần có mươi giáo phường cũng là đủ.

.
Vì thế, báo chí và truyền thông không nên tuyên truyền là cả nước phải học Ca trù, cả nước phải thích Ca trù. Điều đó dễ dẫn đến thái độ vội vàng, dung tục, dễ dãi cho những thứ chưa phải là chuẩn mực.

.
– Nhìn một cách khách quan về ý nghĩa xã hội, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của Giáo phường Ca trù Thăng Long?
+ Tôi thừa nhận và trân trọng sự dấn thân của chị Phạm Thị Huệ và Ca trù Thăng Long trong việc quảng bá và giới thiệu Ca trù. Trong 4 năm qua, Ca trù Thăng Long đã vượt qua rất nhiều khó khăn để giữ được nếp sinh hoạt đều đặn, được các nghệ nhân kèm cặp, dạy dỗ, được báo chí quan tâm, được bạn trẻ tìm đến. Vì thế, tôi mong giáo phường Ca trù Thăng Long hãy học cho thực đầy đủ, chuẩn mực và nghiêm túc, hãy bình tâm và bền lòng với di sản tổ tiên! Hãy ráng học thật đầy đủ và chuẩn mực rồi hãy mở xiêm áo cho các thành viên. Khi ấy Giáo phường Ca trù Thăng Long mới có thể mang đúng nghĩa đầy đủ của danh hiệu cao quý này!
Đặc biệt, tuyệt đối không coi thường nghề tổ và làm sai lạc truyền thống!
-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


Hoàng Hồng
(thực hiện)

Nguồn: Báo Điện tử Tổ Quốc của Bộ VH -TT- DL.
.

12 Nhận xét:

Vũ Nho nói…

Một bài phóng vấn và trả lời nghiêm túc, thẳng thắn. Cám ơn T.S Nguyễn Xuân Diện đã cho mọi người hiểu thêm về Ca Trù.

15:10 Ngày 27 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Oh! Xin cám ơn bác Vũ Nho!

06:38 Ngày 28 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Bùi Hoài Mai viết:
Nghe một lời nói thật cũng khó như khi phải nói và biết cách nói một lời nói thật. Thỉnh thoảng, tôi được bạn mời đến xem một bức tranh mới vẽ, hoặc mới có được cảm hứng làm một bài thơ liền đọc cho nghe và chờ đợi có một lời nhận xét. Nếu đó là một bức tranh đẹp, một bài thơ hay ( tất nhiên theo ý kiến chủ quan) thì mừng lắm, vui lắm vì được chia xẻ sự đồng cảm của mình. Thế nhưng nếu gặp một bức tranh dở, một bài thơ thường thì thật khổ: nhưng nguyên tắc không được nói dối, phải tìm nhiều cách để nói thật ( ấy vậy mà thỉnh thoảng cũng mất bạn) Khó. Nhất là trong nghệ thuật, ai cũng đều có ý kiến chủ quan của mình. Thế nhưng, chớ trêu, không chủ quan thì cũng khó làm được nghệ thuật. Thế nhưng, cứ diễn mãi cái tuồng mẹ hát con khen hay thì nghệ thuật cũng chả còn.

Còn tiếp

06:52 Ngày 28 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Bùi Hoài Mai (tiếp theo):

Quay lại câu chuyện của Ca Trù Thăng Long: hơi buồn vì một cuộc tranh luận biến thành cuộc cãi vã. Hơi ít những ý kiến đóng góp một cách chân tình. Có lẽ mỗi người trong chúng ta nên bỏ bớt chút thời gian, cùng nhau nghĩ đến một giải pháp, một lời khuyên chân tình hơn là văng lời ra với sự dung tục dễ dãi.
Lại bàn về ca trù. Đây là một bộ môn nghệ thuật khó, nó càng khó gấp bội vì một thời đã bị mai một, tam sao thất bản, những tinh hoa truyền lại còn quá ít. Nó khác hẳn với các bộ môn nghệ thuật bác học của phương Tây: được nghiên cứu, ghi chép,được hoàn thiện và kế thừa liên tục. Ấy vậy mà những người muốn sáng tạo chút ít trên truyền thống cũng chịu những sức ép nghê gớm từ những lớp đi trước. Thế nhưng đó là một truyền thống tốt. Thiếu đi những sức ép như vậy thì nghệ thuật nó sẽ rất nhanh biến thành sự dung tục dễ dãi và suy đồi. Nó đòi hỏi người nghệ sỹ phải rất mạnh và nắm rất vững được nhưng di sản rồi nhích thêm một bước. Thế là thành công lắm lắm rồi.
Tôi nhận thấy lời cảnh báo của TS Nguyễn Xuân Diện đang là một bước đi đúng quy luật. Tất nhiên Diện nói không khéo bằng ông Trần Văn Khê và cũng tất nhiên, uy tín lẫn tuổi đời của GS Trần Văn Khê đã làm mọi người ngại và mọi sự bàn tán sẽ quay sang Ts Diện ( nó là lẽ thường tình).
Tôi cũng có may mắn được tiếp xúc với ca trù từ khá lâu, cung được biết đến bà Quách Thị Hồ khi bà còn sống. Tình yêu với ca trù không những là sự thích thú tìm hiểu cá nhân mà còn được truyền lại từ mẹ tôi, họa sỹ Mộng Bích, người đẫ có bức tranh lụa vẽ chân dung bà Hồ rất đẹp, nay đang treo trong bảo tàng MT. Tôi cũng là người may mắn được nhạc sỹ Văn Cao và các bạn của ông giảng cho thấy cái hay cái đẹp của ca trù. Ấy vậy mà cho đến hôm nay, sau vài chục năm, tôi vẫn thấy đây là một bí mật và khó có thể nói rằng tôi biết nghe ca trù. Thành ra khi nghe ai đói đôi co, thách đố nhau về khổ nọ, phách kia của ca trù toàn bằng lời thì quả thật vô hình chung chúng ta hạ thấp nó chăng.
Thế nhưng, có một hiện thực đang treo lơ lửng trong đời sống của chúng ta. Một hiện thực không thể chối cãi rằng chúng ta, ngày hôm nay đang đối diện với một biến chuyển to lớn về đời sống văn hóa.Có thể gọi nó là một cuộc khủng hoảng với siêu tốc độ. Và nó có thể tốt lên hay bại hoại đi hoàn toàn do chúng ta. Có thể một quan họ, một ca trù, một cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh bằng danh hiệu nọ hay kia. Thế nhưng, nó không phải điều kiện tiên quyết cho nó tồn tại. Có khi là ngược lại: danh hiệu đó sẽ trở thành cơ hội cho những kẻ cơ hội chính trị,cái phao cho những nghệ sỹ nửa mùa,phương tiện cho những kẻ mượn nó thành việc kiếm cơm qua ngày đoạn tháng và tệ hơn nữa là những kẻ nhẹ dạ, cả tin và tự hào hão. Những thứ này sẽ tiêu diệt rất nhanh chút vốn liếng còn lại của văn hóa dân tộc.
Khi anh Bùi Trọng Hiền cảnh báo rằng, quan họ đang mất và đã mất nếu không biết cách bảo tồn mà cứ vội vàng thành lập dăm ba đám hát í ới vài câu gọi là quan họ rồi ngửa nón xin tiền. Anh đã bị đe dọa bởi một số kẻ cho là yêu quan họ nhiệt tình. Thế nhưng những lời đe dọa, sự nhiệt tình thái quá, sự tự mãn rởm có cứu được quan họ đang mất và sẽ mất không. Không. Tôi đã từng ở Bắc Ninh hơn 10 năm, và đau đớn nhìn thấy hàng ngày, những cái gì tuyệt vời của quan họ đang ra đi cùng với cái nón chỏng trơ dăm đồng tiền lẻ. Vậy lời cảnh báo về ca trù của Nguyễn Xuân Diện theo quan điểm cá nhân ông trong bối cảnh hiện tại, mà tôi nghĩ, ông ta dùng Ca Trù Thăng long như một cái cớ để cảnh báo một nguy cơ tiềm tàng đang ẩn chứa thì cũng nên lắng nghe. Tuy nhiên, một ý tưởng tốt đẹp ( và có phần dũng cảm khi nói thẳng) nếu biến thành một cái để trả thù những hiềm khích cá nhân thì ca trù hết phương cứu rồi. Làm ơn hãy đừng nhân danh tình yêu với ca trù mà làm tắt nốt tia hi vọng đang nhen nhóm của một di sản.

(Comment của họa sĩ Bùi Hoài Mai cho bài trả lời PV này, tại FB của Nguyễn Xuân Diện)

07:05 Ngày 28 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

GS. TS Trần Quang Hải – con trai của GS.TS Trần Văn Khê. GS. TS Trần Quang Hải là người đã trình diễn 3.000 buổi tại 65 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường Đại học, sáng tác hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, đàn muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng, đương đại. Đã thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống VN, viết 3 quyển sách, làm 4 DVD, 3 phim và hội viên của trên 20 hội nghiên cứu thế giới.

GS Trần Quang Hải đã có ý kiến về vấn đề “phát triển ca trù” như sau:

“Giả sử chế ca trù ra hát thành bè, hoặc có đàn đáy không buồn quá, giờ cho đàn tranh vào, thổi sáo vào. Cái đó không phải làm giàu mà là làm hại, làm mất đi giá trị đặc thù trong ca trù mà thế giới không có. Làm sao phát triển không đi ngược tinh thần dân tộc. Còn không là thoái bộ chứ không phải tiến bộ”.

Trích bài trả lời PV báo TIỀN PHONG chủ nhật số 87, ra ngày hôm nay (27.3.2010). Trang 5. cột 2.
Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hà.

08:42 Ngày 28 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Toàn văn bài trả lời PV của GS.TS Trần Quang Hải trên báo Tiền Phong:
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=190041&ChannelID=7

17:42 Ngày 28 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Bài phân tích của BÙI HOÀI MAI tiên sinh rất uyển chuyển và sâu sắc!
Nếu những người đang truyền nghề, học nghề và hành nghề ca trù vẫn cứ trượt dốc thì họ sẽ thực sự giết nghệ thuật của cha ông!

06:43 Ngày 29 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

BẠCH VIÊN viết:
Anh Mai có bài phân tích nhiệt tâm quá ạ! Bản thân “đối tượng” Ca trù (cũng như nhiều loại nhạc cổ khác) có nhiều mặt để nghiên cứu như: âm nhạc, văn học, lịch sử v.v… Theo em nghĩ, người nào có CHUYÊN MÔN Ở LĨNH VỰC NÀO thì nên đưa ra nhận định về lĩnh vực ấy! Ít ai có được chuyên môn ở tất cả lĩnh vực trong một đối tượng. Muốn nghiên cứu âm nhạc, người nghiên cứu phải có kiến thức về lĩnh vực ấy. Vì vậy, khi nhận định về nó cần suy xét kỹ càng, công tâm và KHÁCH QUAN.
Thực sự, nhiều GS, TS phải học cách phân tích khách quan và công tâm như anh đấy ạ.

NGUYỄN XUÂN DIỆN bàn:
Bạch Viên nói đúng. Chắc bác ý kiến của Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Nghệ nhân Nguyễn Thị Chín, GS Trần Văn Khê, hay là cãi Đài (tiếng nói VN) thì cũng hơi bị khó!

06:44 Ngày 29 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Phản ứng với bài PV này, Cô Phạm Thị Huệ (ca trù Thăng Long)- thạc sĩ về Đàn Tỳ bà, Giảng viên Nhạc viện Hà Nội đã trả lời 1 bạn đọc trên FB của cô:

@Thanh: Hôm qua GS Trần Văn Khê gọi điện ra cũng căn dặn chị “chó sủa mặc chó sủa, đường ta đi ta cứ đi. Con nhớ vững tâm nhé”

Tôi nghĩ không một ai tin GS Trần Văn Khê nói vậy! Và mọi người lập tức hiểu cô Phạm Thị Huệ là không phải là một đào nương ca trù cả về mặt nghề nghiệp lẫn đức hạnh.
Cảm ơn Thầy! Cảm ơn các bạn!

21:43 Ngày 29 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Bạn THANG NGUYEN viết:
Tôi đã đọc rất kỹ ý kiến phát biểu của TS-XUÂN DIỆN Về việc ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng long. Tôi thấy đây là những đóng góp mang tinh xây dựng của một Người có trình độ, sự nghiên cứu công phu, sâu sắc về CA TRÙ và là người có nhiều tâm huyết với môn nghệ thuật Hàn lâm này.Tôi nghĩ, bất kỳ ai khi nhận được sự góp ý chân thực và thẳng thắn đến như vậy cũng nên bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại năng lực, về những gì mình đã, đang và sẽ là đối với Ca trù. Ấy vậy mà, thay vì phải làm những việc vốn được coi là lẽ thường đó, cô Thị Huệ đã phản ứng lại bằng một thái độ chẳng xứng với một người vẫn tự nhận mình là một đào nương thực thụ, lại càng không xứng với một người đứng ở cương vị một giảng viên âm nhạc.
Cách sử dụng những từ nóng giống “hàng tôm, hàng cá” như: iem, chim cú…hay cách đặt ra một loạt câu hỏi cho TS- XUÂN DIỆN như: giáo sư đã từng học Ca trù chưa? Giáo sư đã được học 5 khổ phách chưa?…sẽ làm cho những người hiểu biết nhận ra được tư cách của cô này và hẳn đều có cùng một cảm nhận rằng: “nhà cô ở gần chợ hơn gần trường”; “có lớn mà chưa có khôn”.
Tôi có thể chứng minh sự hạn chế về phông kiến thức đến không ngờ của cô thị Huệ như sau: có một số người chưa từng cầm bút viết văn, lại là một nhà một nhà Lý luận phê bình văn học; cũng có những người cả đời chẳng đóng một vai diễn nào, nhưng lại là một nhà phê bình điện ảnh; rất nhiều người chưa bao giờ làm cầu thủ bóng đá, nhưng có thể cầm quân một đội bóng ngoại hạng…
Sẽ có nhiều điều đáng phải bàn về những gì cô Huệ đang làm cho CLB Ca trù Thăng Long, nhưng việc trước mắt cô phải làm ngay đó là” tút, tát” lại hình ảnh và tư cách của bản thân đi cô ạ….

06:24 Ngày 30 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan viết:

“Tôi đã đọc bài trả lời phỏng vấn của TS gửi cho. Tôi tán thành nhiều ý kiến trả lời. Tôi cho ràng đây cũng là tiêng chuông cảnh báo gửi tới các cấp quản lý Di sản Văn hoá phi vật thể ở Việt Nam”.

07:03 Ngày 31 tháng 3 năm 2010

Nguyễn Xuân Diện nói…

Lyphonglinh viết:

“Dường như, phản ứng của TS Diện có phần khắt khe và gay gắt. Nhưng thiết nghĩ, làm gì có lời cảnh báo nào líu lo đáng yêu và ngọt ngào! Mặc dù những ý kiến của TS có bị đánh giá là hành động “trả thù những hiềm khích cá nhân”, mà thậm chí nếu thực sự bị ảnh hưởng bởi hiềm khích cá nhân đi chăng nữa, thì tôi vẫn cho rằng đây là một khuyến cáo ĐÚNG ĐẮN và KỊP THỜI. Và tôi tin tưởng, với học vị và những nghiên cứu về nghệ thuật âm nhạc Ca Trù truyền thống đã được ghi nhận, thì hẳn nhiên TS Diện đã có những cân nhắc kỹ lưỡng với các cơ sở hợp lý khi đưa ra phát biểu trên.

Đừng để mọi chuyện trở thành quá muộn màng, khi Ca Trù “tiến hóa” ngay sau bờ vực “tuyệt chủng”. Lúc đó người Việt chúng ta sẽ có thêm một thể loại xướng ca nào đó mới mẻ khác. Tôi không dám mạo muội hình dung đến một hệ thống chiêng trống đàn ca sáo nhị đông tưng bừng như dàn nhạc giao hưởng (nhà Nguyên) với ngổn ngang các bè chính phụ hợp xướng đủ kiểu cùng đội múa bông cổ vũ phục vụ cho hàng trăm ngàn khán thính giả trong sân vận động. Xin phép mượn một cụm từ của bác Mai: “đúng quy luật”. Vâng! Quy luật tồn vong, quy luật phát triển… Ta cứ chờ xem đã, biết đâu đấy. Người tối cổ thời đồ đá cũ cũng đâu mường tưởng nổi những điều có ở thế giới hiện đại 4 triệu năm sau. Nếu xét văn hóa truyền thống là những gì mà cha ông ngàn năm đã bảo lưu, truyền trao cho các thế hệ cháu con. Có những cái vĩnh cửu, đồng thời còn có cả cái hay ở thời kỳ này nhưng không phù hợp ở thời kỳ khác nên văn hóa luôn phải đối mặt với nguyên lý tiếp cận- tích lũy- đào thải. Dù vậy, nhưng khi sáng tạo trên cơ sở chất liệu văn hóa truyền thống thì phải luôn dựa vào những nét bản sắc văn hóa đã trở thành hằng số. Ta có thể ví nó như lề của trang giấy ấy. Ngẫm lại, thì việc GS Trần Văn Khê từ chối không can thiệp cũng như không có bất kỳ ý kiến rõ ràng nào trước hiện tượng này là thường tình. GS không muốn làm hỏng cuộc vui của buổi lễ, và đang khoanh tay đứng ngoài hồi hộp chờ đợi kết quả của các “quy luật” đấy thôi. Không thể vin vào những trích dẫn đã được gọt tỉa có chủ ý từ lời GS, hãy quan sát thái độ của ngài: không vui, không buồn, chẳng phản ứng gì!

Những người làm nghề nên bớt huyễn diệu, huyễn hoặc. Công chúng nên chịu khó nghiên cứu một chút nhằm giảm bớt hâm mộ một cách thiếu hiểu biết theo phong trào. Và những nhà phê bình nên dịu dàng tế nhị hơn một chút!?”

06:21 Ngày 08 tháng 4 năm 2010

Leave a comment