TỰ THUẬT 1

 

 

TỰ THUẬT 1

Tôi cho rằng sáu năm ở Tiểu chủng viện Sao Biển Nha Trang (1960-1966) là những năm quyết định sự hình thành những nét cơ bản định hướng và sở thích của tôi. Đó cũng là những năm tôi học được phương pháp làm việc: tự học và giờ nào việc nấy (age quod agis). Chính nhờ phương pháp này mà tôi đã có được những thành đạt hiện nay.
Cuốn sách đầu tiên tôi đã đọc say mê ngày đêm là cuốn Lỗ Bình Sơn trên hoang đảo, một bản dịch tiếng Việt cuốn Robinson Crusoe của Daniel Defoe. Sau đó là cuốn Vô gia đình (Sans Famille của Hector Malot). Và rồi đến Tâm hồn cao thượng (Les Grands Coeurs-Cuore- của Edmondo de Amicis). Tất cả đều là bản dịch tiếng Việt của Hà Mai Anh. Tôi đã đọc những cuốn sách này trong thời gian ở Tiểu chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Chuyện trong sách vở làm tôi mơ mộng, hun đúc tình cảm và ý chí của tôi. Tôi vốn là người mơ mộng. Không sao! Ông tổ chế tạo xe Honda là tổ sư mơ mộng. The Power of Dreams.
Điều tôi muốn nói ở đây là người đã định hướng cho sự mơ mộng của tôi là Cố Hồng (Joseph Victor Clause 1901-1971). Thật vậy. Xuất thân là một đứa bé nhà quê của làng Cà Đú khỉ ho cò gáy, tôi lại mê thiên văn học và cổ ngữ! Tôi nghe mấy chú lớn đồn rằng Cố Hồng biết tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp. Đó là chưa nói, ngoài tiếng Pháp, cố còn biết tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha. Có những đêm tôi thấy cố nhìn trời ngắm sao. Chắc cố phải giỏi thiên văn hơn Cố Lành (Michel Gervier). Cố Lành chỉ nói suông chứ có ngắm sao bao giờ đâu. Chính vì phục Cố Hồng mà từ khi còn rất nhỏ tôi đã có ý định học thiên văn và những cổ ngữ của vùng Trung Đông, vùng Lưỡng Hà Địa (Mesopotamia). Và nhất là phải học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp để đọc Kinh Thánh trong nguyên bản. Rõ là mơ mộng! Chuyện này về sau Cố Lành đã khẳng định: “Tu es un rêveur”. Cố Lành luôn nói với tôi như vậy mỗi khi tôi đến mượn cố cuốn Astronomie to đùng để xem (lúc ấy là vào năm lớp cinquième – 1964). Mãi mãi về sau tôi mới mua được cuốn sách này (Astronomie. L.Rudaux & G.De Vaucouleurs. 1956). Khi có được cuốn sách ấy thì những kiến thức về thiên văn học trong đó cũng đã lỗi thời rồi, nhưng tôi vẫn luôn giữ nó để làm kỷ niệm. Vì muốn giống Cố Hồng nên đêm nào tôi cũng nhìn sao. Vì không có ai chỉ dẫn nên tôi phải tự mày mò tìm lấy. Tôi tìm các chòm sao bằng cái bản đồ nhỏ xíu in trong cuốn Petit Larousse. Ngày nay tôi vẫn tự hào khoe với mọi người rằng mình có thể xác định được các sao và các chòm sao trên trời bằng mắt thường.
Năm 1981, trong bữa tiệc đám hỏi của tôi, chú vợ tôi là bác sĩ Nguyễn văn Thọ, lúc ấy đang nghiên cứu về thiên văn học Trung Hoa, đã hỏi đố tôi: trong chòm sao Orion, ngôi sao nào nhìn bằng mắt thường màu đỏ, ngôi nào màu xanh? Tôi đã trả lời ngay: sao Rigel đáng lý ra phải màu đỏ, vì chữ Rigel gần với chữ rouge, nhưng lại màu xanh; còn sao Bételgeuse lại là màu đỏ. Cũng vì thích thiên văn như thế nên bắt đầu từ năm lớp seconde đến hết năm lớp terminale tôi đã học rất giỏi môn physique (vật lý). Tôi có ý định trở thành nhà thiên văn học! Vì thế, năm 1969, tôi đã đến xin Đức cha Thuận (tức Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sau này) về, không đi tu nữa. Đức cha đã thuyết phục được tôi, từ chuyện xin ra tôi đồng ý đi probation (đi giúp xứ)! Thế mới biết tài thuyết phục của Đức cha Thuận. Nhưng sau đó ngài lại đổi ý, cho tôi ra, và ngài “bắt” tôi phải ở trong cư xá Đắc Lộ thuộc Trung Tâm Đắc Lộ Saigon của các cha Dòng Tên. Chính vì quyết định này của Đức cha mà tôi vẫn thường nại cớ việc tôi xuất là theo quyết định của bề trên.
Khi vào Sài Gòn học, tôi lại không học vật lý mà học tiếng Anh và tiếng Việt! Trời trớ trêu như vậy đó. Thế mới biết mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Thật ra tôi tin vào sự Quan Phòng hơn. Đâu ai ngờ về sau tôi lại sống bằng nghề dịch thuật; chủ yếu là dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Và tiếng Anh là chìa khóa để tôi mở tung mọi lãnh vực. Trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 506, ra ngày 1.9.2004, tôi có nói với người viết bài về tôi: “…chỉ cần biết tiếng Anh là có thể học được nhiều ngoại ngữ kể cả cổ ngữ Sumer!” Thế là từ bỏ mộng trở thành nhà thiên văn, nhưng tôi vẫn còn thích thiên văn. Hiện nay ban đêm tôi vẫn còn ngắm sao trên sân thượng và tôi thường nói đùa với bạn bè là nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận chính là hóa thân của tôi. Nhưng mơ ước học những cổ ngữ vùng Trung Đông thì vẫn luôn “cháy bỏng trong tôi” và từ từ tôi đã thực hiện được.
Rất tiếc tôi đã không được học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp với cố Hồng, vì Tiểu chủng viện không dạy hai cổ ngữ này. Trong các Đại chủng viện ở Việt Nam hiện nay cũng không có dạy. Thật đáng tiếc! Đã nhiều lần tôi đề nghị với Cha giám học Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang để tôi dạy không lấy tiền hai cổ ngữ này, nhưng không được chấp thuận. Cũng phải thôi. Đâu ai biết trình độ của tôi tới đâu, hơn nữa các Đại chủng sinh bao giờ cũng cho rằng mình học quá tải rồi. Như đã nói, tôi không được học những linguae sacrae (ngôn ngữ thánh) này với Cố Hồng, nhưng tôi đã chọn cố làm cha linh hướng và được học tiếng Anh và tiếng Latinh với cố. Tôi đã học hai môn này rất giỏi và tôi còn nhớ như in chữ viết nhỏ nhắn và đều đặn của cố viết trên vở của tôi. Thật ra tôi chưa từng nghe Cố Hồng đề cập đến hai cổ ngữ này bao giờ. Trên kệ sách của cố tôi cũng chẳng thấy cuốn sách tiếng Do Thái tiếng Hi Lạp nào. Tại sao tôi biết? Chuyện là thế này: cố thường ngồi giải tội ở bên trong, phía sau màn, thế là tôi tranh thủ mò tìm sách mỗi khi tôi đứng chờ tới phiên mình ở phòng ngoài của cố! Nói ra điều này tôi không có ý nghi ngờ vốn liếng tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp của cố. Các chú lớn đã nói thế, làm sao sai được? Cố savant (thông thái) như thế phải biết chứ. Tôi cứ ôm ấp mãi ước muốn học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp để đọc Kinh Thánh trong nguyên bản nhưng không thực hiện được, vì lúc ấy theo như tôi biết, chỉ ở Giáo Hoàng Học Viện Đà lạt mới có giáo sư dạy tiếng Do Thái và Hi Lạp. Nhưng ở đó cũng không dạy chính khóa hai cổ ngữ đó.
Mãi cho đến năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ra trường đi dạy tôi mới thực hiện được mong ước. Nhưng lần này tôi lại học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp với một Mục sư Tin lành người Mỹ, tiến sĩ Orrel Steinkamp, giáo sư Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang. Trường hợp tôi gặp vị mục sư này cũng thật hy hữu. Một buổi chiều  năm 1972 tôi đang đi lang thang trong khu vực của Thánh Kinh Thần HọcViện trên đồi cạnh Hòn Chồng Nha Trang tôi thấy một ngả rẻ vào ngôi nhà thờ nhỏ của Viện. Có một bản nhỏ ghi không cho phép vào khu vực cấm này, nhưng tôi cứ vào. Một chiếc Volswagen màu trắng đang xổ dốc, thấy tôi đang đi vào khu vực cấm, một ông người Mỹ ngừng xe lại nói bằng tiếng Việt rằng tôi đang đi vào một khu vực cấm. Tôi nói ngay rằng tôi nghĩ đây là Thánh Kinh Thần Học Viện nên chắc chắn có thầy dạy tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp ở đây, tôi muốn gặp vị giáo sư đó. Ông người Mỹ đó bảo ông chính là người day tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp ở đây. Vâng đó chính là mục sư Orrel Steinkamp. Mục sư đang trên đường đi đánh tennis bên Nha Trang nhưng thấy tôi “hơi lạ” nên mục sư quyết định bỏ buổi đáng tennis đó, quay xe lại đưa tôi vô nhà. Sau giây phút làm quen và biết tôi muốn học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp, mục sư cho tôi mượn cuốn Teach yourself Hebrew (1965) của R.K.Harrison. Một tuần lễ sau tôi quay lại thưa rằng cuốn sách đó “chả làm ăn gì được”, tôi muốn học thực sự để đọc được Kinh Thánh trong nguyên bản. Và thế là việc học hai cổ ngữ này được bắt đầu tại ngay nhà mục sư. Sách thì mục sư cho mượn. Đó là cuốn A Practical Grammar for Classical Hebrew (1967) của J.Weingreen và cuốn The Elements of New Testament Greek (1971) của J.W.Wenham. Đây là hai cuốn sách giáo khoa kinh điển mà ai học Do Thái và Hi Lạp Kinh Thánh bằng tiếng Anh đều biết. Về sau mục sư còn trang bị cho tôi một cuốn Langenscheidt Pocket Hebrew Dictionary (1969) của Dr. Karl Feyerabend. Vào mùa hè năm đó mục sư về Mỹ nghỉ hè nên đã mua những cuốn sách mới cho tôi, tôi đã xin mục sư cho tôi được giữ luôn những cuốn sách đang mượn, để làm kỷ niệm, còn mục sư thì dùng những cuốn mới mua. Mục sư đã đồng ý và tôi đã gửi lại tiền sòng phẳng rất ư là Mỹ. Sau này tôi còn mua được cuốn A Concise Hebrew and Aramaic Lexicon of the old Testament (1971) của William L. Holladay chủ biên. Thế là có đủ dụng cụ học tập. Ngày nay tôi vẫn trân trọng giữ những kỷ niệm ấy. Cách thức học thì như sau: hằng tuần tôi đến nhà thầy hai lần để làm bài tập và xem thầy sửa bài đồng thời đưa ra những thắc mắc; phần ngữ pháp thì tôi tự học trước ở nhà. Mục sư Orrel Steinkamp là người rất khiêm tốn và cẩn thận. Mỗi khi tôi hỏi những điều “cắc cớ” ông không trả lời ngay được, bao giờ ông cũng bảo hãy để ông tra cứu lại lần sau sẽ trả lời chính xác. Tôi đã học được sự khiêm tốn và cẩn thận này nơi mục sư. Và từ đó tôi không bao giờ “đối phó” với học trò của tôi mỗi khi có một hoc trò nào của tôi “đưa tôi vào thế bí”. Tôi học như vậy được ba năm thì giáo sư phải về nước vào năm 1975. Lúc ấy tôi đã bắt đầu đọc được lai rai Kinh Thánh trong nguyên bản rồi. Từ đó đến nay tôi cứ phải ôn đi ôn lại hoài để khỏi quên. Tôi đã cố tìm ai đó để dạy nhưng “chả ma nào” chịu học cả. Người ta bảo khó và không thực tế!
Khoảng năm 1995, nhân đọc tập sách Chúa Kitô đã sống lại của Linh Tiến Khải (tức linh mục Hoàng Minh Thắng, một bạn học củ của tôi ở collège d’Adran Dalat, một học viên của Pontificium Institutum Biblicum Roma) tôi biết được “…Những khám phá trong lãnh vực cổ ngữ trong các thập niên vừa qua đã giúp các dịch giả và chuyên viên Kinh Thánh hiểu biết Kinh Thánh rõ ràng và chính xác hơn. Chúng tôi muốn nói đến hai thứ tiếng Ugarít và Ebla là hai thứ tiếng đã gây chấn động trong giới học giả Kinh Thánh, và hiện đang giúp rất nhiều trong việc hiểu biết bản văn Kinh Thánh Cựu Ước Do Thái.” (sđd. trg. 2). Thế là tôi bắt đầu tìm sách để tự học hai cổ ngữ này. Tìm là được. Chuyện khó tin nhưng có thật. Nhân một chuyến Đức Giám mục Địa phận Nha Trang (Phaolô Nguyễn Văn Hòa) đi Giêrusalem, tôi đã tranh thủ nhờ ngay. 5giờ chiều hôm trước ngày Đức Cha đi Saigon để từ đó bay sang Giêrusalem tôi đã vào gặp Đức cha. Tôi còn nhớ rõ như in cuộc đối đáp hôm đó. “Thưa Đức cha, con muốn nhờ Đức cha tìm hộ cho con hai cuốn sách ở Giêrusalem.” – “Thầy chờ tôi lấy sổ ghi.” – “Con đã ghi ra giấy rồi đây.” – “Nhưng phải ghi vào sổ để khỏi lạc.” Trời đất ơi! Đức Giám mục Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đó! Servus servorum (Đầy tớ của các đầy tớ) đó! Không biết nói gì nữa. Silence absolu! Tôi chỉ biết thốt lên: Deo gratias! (Tạ ơn Chúa!).Về sau ngài còn kể cho tôi nghe khi ngài nhờ một cha giáo sư ở trường Kinh Thánh Giêrusalem tìm hai cuốn sách Ugaritic này  cha giáo sư đã thắc mắc không hiểu ở Việt Nam mà có ai lại cần đến những cuốn sách như vậy. Ngài đã trả lời cha giáo kia rằng “thế mà có người lại muốn học!” Và từ hôm ngài mang hai cuốn sách đó về đến nay – mười mấy năm rồi! – tôi vẫn còn áy náy và hối hận vô cùng vì đã làm phiền Đức cha đến như thế, trong khi ngài đang muôn công nghìn việc. Và càng học tôi càng thấy rằng bể học thật mênh mông. Tôi biết rằng phải học những cổ ngữ khác nữa, cổ hơn nữa.  Năm 2003 tôi đã nhờ Hoàng Trần Vạn Thành, một học trò cũ hiện nay là một kỹ sư của NASA – một học trò “có hiếu” nhất trong số các học trò của tôi và có thể nói đây là trường hợp độc nhất vô nhị – tìm mua những sách dạy tiếng Ai Cập cổ đại để tự học chữ viết trong các kim tự tháp! Rõ là mơ mộng! Tôi cũng đã nhờ Hoàng Trần Vạn Thành tìm mua những sách dạy tiếng Xu-me (Sumerian), Ác-cát (Akkadian). Và gần đây Hoàng Kim Thát, một “đàn em” cựu tiểu chủng sinh Sao Biển thấy tôi đang cần sách về ngôn ngữ Eblaite đã mua biếu tôi một cuốn tôi đang tìm. Sau đó tôi có “trao đổi văn hóa” với một cô bạn luật sư bên Canada để có được hai cuốn sách khác viết về ngôn ngữ Eblaite. (Tôi gửi cho cô ta những tài liệu về văn hóa Chàm, vì cô đang cần những tài liệu này để viết một cuốn tiểu thuyết có cái nền là  cuộc hôn nhân của Chế Mân – Huyền Trân công chúa, đổi lại cô gửi mua cho tôi những cuốn sách tôi cần). Thế là đến bây giờ tôi đã có đầy đủ sách vở về các cổ ngữ mà tôi muốn học. Sở dĩ tôi nói tất cả những chuyện này là vì hai lý do: thứ nhất là để bạn bè thân tín gần xa biết hobby của tôi mà giúp đỡ; thứ hai là để cho mọi người thấy hạt giống mà Cố Hồng gieo đã đâm rễ bàn tràn lan như thế nào và sở dĩ ngày nay tôi được như thế này là nhờ có nhiều “ân nhân” giúp đỡ.
Tuy tôi chỉ học với Cố Hồng hai năm lớp cinquième và quatrième, nhưng người đã tạo ấn tượng rất mạnh trong đầu óc của tôi và chính người đã thực sự định hướng cho những ước mơ của tôi. Có người sẽ hỏi tại sao Cố Hồng không định hướng ước mơ làm linh mục. Đó là ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói ra ý định của Ngài thông qua quyết định của bề trên là Đức hồng y Phanxicô. Ngài muốn tôi là một giáo dân; nói đúng hơn là một trí thức công giáo. Tôi luôn ý thức điều này. Hiện tại tôi sống bằng sách; nói cụ thể là đẻ ra sách. Và sách là một phương tiện phục vụ Giáo Hội rất tốt. Người ta thường nói “mang nặng đẻ đau”. Đẻ ra sách cũng đau lắm; không phải dễ ăn đâu. Vì thế tôi cũng cần thư giản. Chính những cổ ngữ mà tôi nói ở trên là phần thư giản của tôi. Việc học cổ ngữ tạo cho tôi sự nhiệt tình hăng say. Điều này quan trọng lắm.
Đúng như nhà Ai cập học J. F. Champollion đã nói: “L’enthousiasme seul est la vraie vie”.
Thế mới biết thời niên thiếu quan trọng biết chừng nào!

Nguyễn Thành Thống

 

One thought on “TỰ THUẬT 1”

  1. Neu khong co anh Ngoc ve choi ,chi khong duoc dip doc blog cua Thong, Nga chua bao gio noi ve blog nay.
    Bravo Thong, may bai tu thuat rat hap dan! Cang doc cang thay hanh dien vi co nguoi em ho co duoc mot ong chong thong thai!
    Chi Lan Anh, Montreal, Canada

Leave a comment